Hãy trồng cây nếu bạn yêu thiên nhiên
Nếu muốn giữ gìn những hàng cây trên phố, bạn đừng bỏ mẩu thuốc lá hay quăng rác vào gốc cây, không đóng đinh vào thân cây. Tốt hơn nữa là bạn trồng ngay một cái cây ở bất cứ nơi nào có thể.
Mấy hôm nay, nhiều bạn trầm trồ về bộ ảnh Sài Gòn đẹp đẽ, thanh bình thời ba má mình, nơi đó có rất nhiều hàng cây, giao thông thông thoáng. Nhưng đó là thời gian cách đây khoảng 60 năm, dân số Sài Gòn chỉ khoảng 3 triệu người, còn hiện nay đã gần gấp bốn lần (trên 10 triệu), bạn biết không? Còn bây giờ, hệ thống giao thông trong các quận nội thành không còn thoáng. Nó quá tải rồi!
Hồi xưa, ba má mình dìu nhau đi chầm chậm nên thơ trên các con đường có lá me bay và chụp hình cất album là vì các con đường đều khá thưa thớt. Còn bây giờ, ra khỏi nhà là chen chúc giữa một rừng xe máy, tóc xịt chải công phu thì chụp mũ bảo hiểm lên, mặc váy thì hết sợ lộ hàng đến sợ nắng thiêu. Chưa kể tai nạn giao thông đầy rẫy.
Vậy bạn có muốn có một cách di chuyển khác an toàn và sạch sẽ hơn, tha hồ mặc đồ đẹp, ngồi trong toa xe máy lạnh, vừa đọc báo chơi game vừa uống cà phê, chớp mắt đã tới trường, tới rạp phim hay về nhà?
Năm ngoái, lúc TP. HCM triển khai chặt hạ những cây xà cừ lâu năm để xây dựng phố đi bộ Nguyễn Huệ, cũng rất nhiều người phản đối mặc dù chủ trương đó đã được đăng báo cho người dân góp ý từ lâu lắm. Thế rồi khi xây xong thì sao? Phố đi bộ biến thành nơi giới trẻ hẹn hò, check in, khoe sắc.
Bạn có biết khi tháp Eiffel được hội đồng thành phố Paris lựa chọn để xây dựng biểu tượng của thành phố trong hơn 700 mẫu thiết kể gởi tới, nó đã bị phản đối đến thế nào không?
300 nhân vật nổi tiếng của Paris và thế giới đã gửi thư phản đối, trong đó có đoạn: “Chúng tôi, các nhà văn, họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư và những người yêu Paris kịch liệt phản đối và rất phẫn nộ khi thành phố xây dựng tháp Eiffel gớm ghiếc và vô dụng. Tên tuổi của Pháp, lịch sử và nghệ thuật của đất nước này đang bị đe dọa”.
Việc xây dựng nhà hát Cánh buồm của Úc cũng là nguyên nhân khiến các cuộc diễu hành phản đối bùng nổ. Mâu thuẫn với chính quyền Úc ghê gớm đến nỗi kiến trúc sư của kỳ quan thế giới này ra đi và thề không bao giờ trở lại nước Úc.
Sau 40 năm, trong sự tự hào khôn xiết của người Úc về công trình vô giá này, vẫn còn đó nỗi xấu hổ vì có lúc họ không đánh giá đúng tầm vóc của công trình.
Trở lại với hàng cây trên đường Tôn Đức Thắng. Mấy hôm nay, có hai ba chục bạn trẻ cầm biểu ngữ phản đối việc chặt cây, với lý do nên giữ cây để làm lá phổi cho thành phố.
Phản đối, đồng tình, bày tỏ ý kiến là quyền tự do của mỗi người. Nhưng trước khi phản đối, có lẽ các bạn cũng nên tìm hiểu thật kỹ nguyên nhân, mục đích của việc chặt cây.
Năm ngoái, một gốc xà cừ to mấy vòng ôm ở ngã ba đầu đường nhà tôi, sau một đêm trời trong gió lặng, bỗng ngã cái rầm. May nó ngã ban đêm nên không ai chết, chứ lỡ ngã vô giờ cao điểm thì chắc phải chục cái đám tang rước qua đường Võ Thị Sáu rồi.
Gốc cây chổng lên trời khoe bộ rễ đã cụt hết. Không trước thì sau, cây xà cừ đó cũng đổ.
Các chuyên gia lâm nghiệp giải thích do không gian và phần đất dành cho cây đã không còn đủ cho bộ rễ xà cừ phát triển. Nhà cửa san sát ngay bên cây, các công trình ngầm, lề đường đào lên xới xuống mỗi lần đều phạm vào rễ cây, khiến chúng bị thương và yếu sức dần, không còn đủ nuôi cây vững chắc nữa. Trong khi xà cừ gốc rất to, rễ trồi lên phá lề đường rất dữ, tán lại quá nặng nên mùa mưa gió dễ bị gãy đổ.
Nếu trồngcây trong không gian rộng lớn như rừng hay công viên thì các gốc xà cừ lâu năm được phát triển tự do sẽ thọ hơn cùng với tán lá không bị tỉa bỏ đi.
Trong đô thị, kinh nghiệm ở nhiều nước phát triển là chỉ trồng những loại cây có thân nhỏ vừa, thân thẳng, tán không quá lớn dễ đụng nhà cửa xung quanh. Họ dùng một tấm kim loại khoét lỗ sẵn, thân cây nếu chật cái vòng này tức là cần thay cây khác nhỏ hơn.
Cây ven đường còn phải đảm bảo dải đất trồng đủ rộng để phát triển, không bị công trình ngầm làm hư tổn bộ rễ, đồng thời có khoảng cách an toàn với công trình xây dựng và người lưu thông bên cạnh.
Ở Bỉ, hàng cây trồng cứ ít lâu lại được tỉa một lần cũng nhằm mục đích này.
Chẳng cần đi đâu xa, cứ qua Singapore bạn cũng thấy ven đường hầu như không có cây lớn. Bù lại, trong các công viên được trồng cây to cực nhiều.
Hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng đã được trồng qua cả trăm năm. Khí hậu, thời tiết, đất đai, nguồn nước… đều đã thay đổi quá nhiều so với lúc trước, theo chiều hướng xấu cho cây. Có nhiều gốc phát triển quá lớn, gần như chắn hết cả lề đường.
Do vậy việc chặt bỏ những cây có nguy cơ gãy đổ, di dời những cây khác là yêu cầu đầu tiên để có mặt bằng an toàn cho thi công ga tàu điện ngầm Ba Son và cầu Thủ Thiêm 2.
Còn lá phổi của thành phố? Những công viên rộng lớn sẽ lo việc đó.
Bạn cũng rất nên góp phần mình vào đó bằng cách giữ gìn những hàng cây trên phố, không bỏ mẩu thuốc lá hay quăng rác vào gốc cây, không đóng đinh vào thân cây… Tốt hơn nữa là bạn trồng ngay một cái cây ở bất cứ nơi nào có thể.
Comments are closed.